Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, song năm 2021, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt tìm hướng vượt khó để đạt mức tăng trưởng khá so với năm trước, góp phần quan trọng duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vượt qua khó khăn của đại dịch thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh
vẫn phát triển nhanh cả về số lượng lẫn quy mô kinh doanh
Dù chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh, lượng hàng hóa bán ra trong ngày tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh có thời điểm giảm từ 30% đến 50% so với trước khi dịch bùng phát, song trong năm 2021, lĩnh vực thương mại - dịch vụ vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 55.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2020. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 5,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,5%, doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác tăng 5,4% so với năm 2020. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 15.797 triệu USD, tăng 17% so với năm trước. Điều đáng ghi nhận là thương mại, dịch vụ phát triển nhanh cả về số lượng lẫn quy mô kinh doanh với phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, tạo ra các kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn; cơ sở vật chất thương mại, dịch vụ được tăng cường, hệ thống chợ, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các trung tâm đầu mối.
Để có kết quả này, ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Công thương Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tập trung hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ duy trì chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, mua bán hàng hóa của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá. Trong đó, tăng cường các hoạt động thương mại điện tử; kiểm soát, ổn định thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn các trung tâm thương mại, chợ dân sinh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong kinh doanh thương mại …
Đặt mục tiêu phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so với năm 2021, trong năm 2022, cùng với tập trung xây dựng Đề án phát triển thương mại điện tử đến năm 2030, triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Sở Công thương sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thương mại, công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xúc tiến thương mại, chào hàng, ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa bằng hình thức trực tuyến ở trong và ngoài nước; đồng hành cùng các ngành chức năng, các hộ kinh doanh, dịch vụ nỗ lực tìm hướng phát triển mới để đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.