Phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, bảo đảm tiêm chủng 150 triệu liều trong 9 tháng nhằm tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng, với phương châm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Để làm được điều đó, Bộ Y tế triển khai hệ thống công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm trên toàn tuyến. Các chuyên gia đầu ngành về điều trị, dự phòng cũng được Bộ điều động, sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để xử lý mọi việc kịp thời.

Mục tiêu đặt ra là hơn 70% dân số Việt Nam được tiêm vắc xin Covid-19. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang rất cố gắng để mua 150 triệu liều vắc xin tiêm cho người dân. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm trên toàn cầu nên dù đã có hợp đồng mua từ tháng 11/2020 nhưng đến nay nước ta mới có vắc xin và tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021. Tuy nhiên, sau tháng 9/2021, lượng vắc xin về Việt Nam sẽ nhiều, vì thế đặt ra vấn đề phải mở rộng độ bao phủ.
Để chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 thành công, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch kêu gọi toàn thể người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng chống dịch. Ngành Y tế, các lực lượng sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ và triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các quốc gia, tổ chức nước ngoài thúc đẩy việc cung ứng vắc xin cho Việt Nam đúng tiến độ. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vắc xin đang được nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam sớm đưa vào sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước; đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, từng bước xây dựng an ninh vắc xin cho Việt Nam.
Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin, bao gồm: Nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất và phát triển vắc xin trong nước nhằm chủ động, tiêm miễn phí vắc xin cho nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Việt Nam đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường đàm phán để mua, làm chủ và nghiên cứu sản xuất vắc xin. Đến nay, cả nước đã tiêm chủng được 4 triệu liều vắc xin, đang nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều phối tốt công tác tiêm phòng, tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn nhất cho nhân dân.
Phát biểu sau lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh và các địa phương chủ động lập danh sách, thứ tự, cách thực hiện để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin một cách nhanh nhất, bảo đảm an toàn. Các sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp rà soát, thống nhất số liệu thống kê các doanh nghiệp và công nhân lao động trong các công ty, doanh nghiệp để có danh sách đầy đủ, chính xác; chuẩn bị tốt công tác tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiêm và giám sát sau tiêm, bảo đảm khoa học, kịp thời, an toàn.